Trong khi câu chuyện nên hay không huy động vàng vẫn còn gây tranh cãi kịch liệt thì thị trường vàng lại nổi “sóng”. Chỉ trong vòng 2 tuần từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, giá vàng đã bứt phá mạnh lên vùng cao nhất trong 2 năm trở lại đây cùng các bước nhảy vọt trong một số phiên, đặc biệt là ngày 6.7, rồi lại quay đầu lao dốc tự do trong ngày 7.7.

Huy động vàng sẽ dẫn đến đầu cơ vàng

Tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam lại kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho lập sở giao dịch vàng.

Việc huy động vàng trong dân đang gây nhiều tranh cãi, đây chắc chắn sẽ là bài toán khó giải cho Ngân hàng Nhà nước.

Theo lý giải của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, thông qua Sở Giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân.

Việc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia nhằm mục đích lưu động hóa số vàng trong dân, hoàn toàn không vì mục đích buôn bán số lượng lớn vàng miếng, vàng cục… để vàng hóa hoặc làm mất giá trị thị trường.

Trong kiến nghị, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, Sở Giao dịch vàng quốc gia cũng sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng, loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp (sàn vàng chui), giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc thu thuế của các tổ chức, cá nhân giao dịch vàng; cơ quan chức năng có thể giám sát, quản lý được lượng giao dịch vàng để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Đặc biệt, thông qua Sở Giao dịch vàng quốc gia, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước…

Theo tổ chức này, hiện người dân Việt Nam giữ khoảng 500 tấn vàng. Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng đã giao NHNN chủ trì, nghiên cứu, xem xét vấn đề nguồn lực trong dân, bao gồm cả tiền và vàng, tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Câu chuyện huy động vàng từ trong dân hiện có hai luồng ý kiến khá trái ngược nhau.

Một phía cho rằng, huy động vàng là việc nên làm, thậm chí có người còn cho rằng đó là việc đương nhiên và việc huy động tốt nhất là thông qua sàn giao dịch vàng. Sàn giao dịch vàng sẽ giúp Nhà nước dễ chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân thành vốn phục vụ sản xuất, thêm vào đó sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, dễ quản lý hơn, hạn chế được tình trạng buôn lậu vàng, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách.

Nhưng một phía lại phản đối việc huy động vàng bởi các chuyên gia ủng hộ quan điểm này cho rằng, làm như vậy sẽ khiến cho hiện tượng vàng hóa mà NHNN nỗ lực chống lại lâu nay quay trở lại.

Thậm chí, trong một cuộc họp mới đây, Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành còn cho rằng, bản chất của việc huy động vàng là đi ngược lại nguyên tắc kinh te, đồng thời bày tỏ quan ngại thị trường sẽ bất ổn vì đầu cơ gia tăng.

Theo nhận định của Viện trưởng VEPR, vàng hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác, chỉ ưu việt hơn trong việc cất giữ. Trong khi đó, nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang chức năng lưu thông tương tự như tiền.

Cũng theo ông Thành, khi vàng có thêm chức năng này, nhu cầu vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Cộng với những tác động khác như Brexit, sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn, dễ tổn thương. “Đây sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vàng hóa trở lại. Điều này tương tự như hiện tượng đôla hóa, khi các ngân hàng đặt mức lãi suất huy động dương với đồng USD”, vị chuyên gia này cảnh báo.

Ông Thành cũng nhấn mạnh, vàng chỉ nên giữ vai trò là tài sản. Nếu muốn người dân không giữ hoặc giảm giữ vàng thì duy trì lãi suất tiền mặt cao, ổn định, khi đó người dân sẽ bán vàng để lấy tiền mặt.

“Trong thời gian qua, NHNN đã lần lượt loại vàng và ngoại tệ ra khỏi hệ thống tín dụng. Chúng tôi cho rằng, NHNN cần thực hiện việc này một cách nhất quán, quyết đoán, tránh lặp lại những sai lầm không cần thiết”, Viện trưởng VEPR khuyến nghị.

Khi vàng dậy sóng

Theo ghi nhận của VEPR, quý II/2016 chứng kiến sự thay đổi đáng kể trên thị trường vàng trong nước, giá vàng trong nước dần bám sát với giá vàng thế giới.

Nửa cuối quý I/2016, trong khi giá vàng thế giới tăng đột biến do những lo ngại về quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại cuộc họp tháng 3, giá vàng trong nước vẫn tương đối ổn định và chỉ tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Điều này khiến cho mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gần như không còn.

Đầu quý II/2016, giá vàng trong nước dao động ổn định quanh ngưỡng 33 – 34 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, ngay sau khi FED quyết định giữ nguyên mức lãi suất hiện tại, và đặc biệt là sự kiện Brexit, giá vàng trong nước cũng như thế giới đã có những phiên tăng mạnh liên tiếp trong những ngày đầu tháng 7. Tính đến cuối quý II/2016, giá vàng trong nước đã tăng 5,6% và 6,4% so với thời điểm cuối quý I/2016 và cuối năm 2015.

Trong khi câu chuyện nên hay không huy động vàng vẫn còn gây tranh cãi kịch liệt thì thị trường vàng lại nổi “sóng”. Chỉ trong vòng 2 tuần từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, giá vàng đã bứt phá mạnh lên vùng cao nhất trong 2 năm trở lại đây cùng các bước nhảy vọt trong một số phiên, đặc biệt là ngày 6.7, rồi lại quay đầu lao dốc tự do trong ngày 7.7.

Sự điều chỉnh giảm của giá vàng từ mức đỉnh 40 triệu đồng về vùng 37 triệu đồng/lượng hiện nay được cho là do NHNN tác động thông qua việc trấn an dư luận rằng họ có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần thiết. Động thái trấn an này được lặp đi lặp lại đối với cả thị trường vàng lẫn ngoại tệ trong hơn 2 năm trở lại đây, song hiệu quả rõ ràng chưa cao, bằng chứng là các “cơn sốt” vẫn diễn ra và NHNN vẫn cứ phải nhắc lại điệp khúc ấy nhiều lần.

Và sau đợt sốt vàng lần này, câu chuyện về quản lý thị trường vàng của NHNN lại được nhắc đến nhiều hơn. Người ta cho rằng, rõ ràng NHNN cần phải thay đổi cách “đối xử” với vàng.

So với câu chuyện bình ổn ngoại tệ thì bình ổn vàng khó hơn nhiều. Với ngoại tệ, NHNN có nguồn dự trữ để bình ổn, khi muốn thì có thể mua vào bán ra.

Còn với vàng, nếu NHNN muốn bình ổn vàng thì phải có một lượng vàng dự trữ. Bình ổn vàng mà chỉ bán không mua sẽ gây hao hụt nguồn dự trữ. Do đó, NHNN buộc phải tìm cách để mua vào nhằm cân bằng nguồn dự trữ nếu muốn thực hiện đúng vai trò bình ổn.

Nhưng việc này cũng thực sự là một thách thức, bởi vàng có liên quan đến chất lượng và giá cả. Khi giá lên cao, NHNN không thể nào mua được vàng từ dân với giá rẻ hơn thị trường, còn nếu mua giá cao hơn chắc chắn cũng không được. Ngoài ra, NHNN cũng khó mà tự mình mua vàng về như việc bán ra.

Theo ý kiến của một chuyên gia, NHNN nên giao vai trò điều tiết mua bán ấy cho các doanh nghiệp và các ngân hàng cùng thực hiện như một mạng lưới chân rết của NHNN. Khi ấy, NHNN vẫn giữ vai trò quản lý, khi cần bình ổn mua vào bán ra chỉ cần chỉ đạo các doanh nghiệp như với các ngân hàng bình ổn ngoại tệ hiện nay.

Theo Laodong