Ba nền kinh tế lớn nhất khu vực EU đang cố hình thành một cơ chế lãnh đạo mới nhằm vực dậy Liên hiệp châu Âu hậu Brexit.

Image result for Liên hiệp châu Âu hậu Brexit

Lãnh đạo ba nước lớn châu Âu là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Ý Matteo Renzi đã gặp nhau ngày đầu tuần này trên một hòn đảo gần Napoli (Ý), khởi động việc quay lại với đời sống chính trị châu Âu sau một tháng nghỉ hè. Địa điểm gặp gỡ này mang đầy tính biểu tượng: đảo Ventotene là nơi có ngôi mộ của Altiero Spinelli, một trong những người được xem là cha đẻ của ý tưởng xây dựng liên minh châu Âu. Và con tàu Garibaldi, nơi ba nhà lãnh đạo dùng bữa tối, là một trong những tàu sân bay mạnh nhất của hải quân Ý.

Những thông điệp được đưa ra là rất rõ ràng, từ lời nói cho đến hình ảnh: vực dậy Liên hiệp châu Âu, bắt đầu từ những giá trị sơ khai thuở mới thành lập và thể hiện bằng hành động rằng châu Âu vẫn sở hữu một sức mạnh cơ bắp hữu hiệu để thực thi chính sách. “Nhiều người nói rằng sau khi Brexit xảy ra, châu Âu đã kết thúc. Rõ ràng không có điều đó, chúng tôi sẽ viết nên những trang mới cho châu Âu”, Thủ tướng nước chủ nhà Renzi tuyên bố. Chỉ có điều, cho đến nay thì những trang đó vẫn trắng tinh. Cuộc gặp ở Ventotene là lần thứ hai bộ ba lãnh đạo Đức-Pháp-Ý gặp nhau kể từ sau Brexit và ngoài các lời kêu gọi suông, chưa có hành động cụ thể nào được đưa ra.

Những ý định của Pháp và Ý mang đến cuộc gặp chưa được Đức hưởng ứng. Pháp muốn phát hành trái phiếu châu Âu để huy động vốn đầu tư và tăng gấp đôi quy mô của kế hoạch Juncker là 315 tỉ euro trong giai đoạn 2015-2018 (1). Ý muốn bỏ hẳn mô hình “nhà nước kiểm toán” do Đức áp đặt, tức từ bỏ các chính sách khắc khổ về ngân sách mà Thủ tướng Renzi cho rằng chỉ có tác dụng kích thích sự nổi dậy của các đảng phái dân túy. Ngay cả trong chủ đề mà cả ba đều đồng ý là thành lập một lực lượng biên phòng châu Âu nhằm kiểm soát làn sóng tị nạn ở các biên giới ngoại vi cũng mới chỉ dừng ở ý tưởng. “Nó giống như một cuộc gặp chia tay mùa hè hơn là họp hành thực sự” – tờ Le Figaro của Pháp châm biếm.

Với nhiều nhà quan sát thì việc châu Âu thiếu vắng các hành động thực chất không phải là quá khó hiểu. Liên hiệp châu Âu đang trong giai đoạn loay hoay tìm các phương án chính trị mới hậu Brexit. Ba ngày sau khi Brexit xảy ra, Thủ tướng Đức Merkel đã mời Tổng thống Hollande và Thủ tướng Renzi sang Berlin bàn thảo. Động thái rất rõ ràng: nước Anh ra đi và châu Âu cần một người thay thế. Ý, nền kinh tế lớn thứ 4 của EU (khi vẫn còn Anh) là ứng cử viên đương nhiên. Cuộc gặp tại Napoli tuần này tái khẳng định điều đó, rằng trong giới lãnh đạo cấp cao EU đang hình thành xu hướng co vào trong lõi, lập nên một cơ chế lãnh đạo mới xoay quanh một vài thành viên chủ chốt.

Nhưng vấn đề quan trọng là ba thành viên của bộ ba này đang có những ưu tiên chính trị đối nội khác nhau, dẫn đến việc theo đuổi chính sách châu Âu khác nhau. Tháng 10 tới, Thủ tướng Metteo Renzi sẽ đối mặt với một cuộc trưng cầu dân ý đầy bất trắc về cải cách hiến pháp. Ông Renzi đã tuyên bố trước rằng kể cả nếu các dự án cải cách của ông thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý này thì cũng sẽ không có bầu cử sớm trước năm 2018 nhưng giới phân tích chính trị lại lo ngại điều khác: nếu thất bại vào tháng 10, ông Renzi sẽ đối mặt với áp lực khủng khiếp đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về việc Ý ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu – eurozone.

Với Tổng thống Pháp, François Hollande thì những ngày ngột ngạt đã bắt đầu ngay từ khi kỳ nghỉ hè chưa kết thúc. Ông Hollande sẽ chính thức bước vào giai đoạn chạy đua tranh cử để tái nhiệm vào năm sau, trong bối cảnh uy tín thấp một cách thảm hại và một loạt các đối thủ, từ nội bộ cánh tả lẫn đối địch cánh hữu đều đã công khai ý định chạy đua và đồng thanh coi việc chỉ trích thành tích điều hành kinh tế yếu kém của chính quyền là chiến thuật đơn giản mà lợi hại nhất.

Thủ tướng Đức cũng không yên ổn. Chính sách đón tiếp người tị nạn của bà Merkel ngày càng bị phản đối nhiều hơn ở Đức và sau một thời gian yên bình, khủng bố cũng đã hướng đến nước Đức. Bên ngoài, “chủ nghĩa liên bang” mà Đức áp đặt tại châu Âu mang đến những ác cảm rõ rệt từ các thành viên nhỏ phía Đông, bất kể nó có lợi hay không.

Ba nhà lãnh đạo có ba ưu tiên đối nội và các tính toán bầu cử khác nhau nên điều tự nhiên là châu Âu sẽ còn phải chật vật một thời gian dài nữa mới có thể tìm được lối ra.

(1) Kế hoạch Juncker, hay còn gọi là Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng EU, được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker công bố tháng 11-2014, theo đó EU sẽ huy động 315 tỉ euro vốn tư nhân để xây dựng các công trình hạ tầng chính trong ba năm, từ 1-12-2015 đến 31-12-2017 – BT

Theo TBKTSG